call us

HỖ TRỢ

(+84) 383.840.391

Cảnh báo: Đa cấp biến tướng núp bóng Thương mại điện tử, tiền ảo

08/09/2020 2:27:32 CH 0 comment(s)

Trong những năm trở lại đây, khi trình độ dân trí đi lên, để theo kịp thời đại, các công ty đa cấp lừa đảo cũng liên tục tìm cách biến đổi. Kết quả là các chiêu thức mới cùng hàng chục mặt hàng bình phong mới ra đời, từ các khóa học kỹ năng mềm, khóa học làm giàu, bán hàng online, mua hàng tích điểm (MyAladdinz, BBI Mall, MFCClub), Công ty tài chính công nghệ (ERG), bất động sản (Alibaba), khởi nghiệp sáng tạo (Khởi nghiệp 360), đầu tư tiền ảo (BitConnect, IFan), ví điện tử (PayAsian), mạng xã hội (Hahalolo, FutureNet), sàn giao dịch nhị phân (Wefinex)…

Tại Nghệ An, từ những năm 2016, với cơn sốt tiền ảo Bitcoin trên thế giới (Bitcoin đồng tiền ảo hiếm hoi được một số nước và tổ chức trên thế giới thừa nhận), nhiều doanh nghiệp có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… đã âm thầm tới Nghệ An để tổ chức hội thảo, lôi kéo người dân tham gia đầu tư vào tiền ảo, đặc biệt là loại tiền ảo Onecoin. Loại tiền có xuất xứ từ Bulgaria, với giá trị mà những người chơi tự mặc định, mỗi đồng khoảng 0,2 euro này hoạt động theo hình thức đa cấp, người chơi sẽ có được một khoản “hoa hồng” nếu lôi kéo được người tham gia. Các cuộc hội thảo được tổ chức ở các khách sạn lớn như Mường Thanh Phương Đông, Giao Tế, Vinh Plaza, Mường Thanh Cửa Lò… với hàng trăm người dân tham dự. Tại những cuộc hội thảo này, người của công ty thường dùng những lời lẽ “mật ngọt” để giới thiệu về lịch sử đồng tiền ảo, về nhu cầu thanh toán điện tử thay thế tiền giấy, giới thiệu về những người thành công khi tham gia đầu tư vào tiền ảo trên địa bàn Nghệ An. Sau đó, nếu có người tham gia, họ sẽ hướng dẫn cách tạo tài khoản, cách đầu tư.

 

Trên địa bàn tỉnh, phần lớn người chơi tiền ảo tập trung ở các địa phương như TP Vinh, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Tx.Thái Hoà… Có những người đang đầu tư hàng tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều người đã đầu tư, chuyển tiền thật để đổi lấy tiền ảo, nhưng không được hệ thống quy đổi sang tiền thật. Nhiều trường hợp khác bị tấn công, chiếm dụng tài khoản dẫn đến nợ nần, tay trắng, thậm chí mất đoàn kết anh em, bạn bè vì trước đó đã lỡ lôi kéo vào đường dây để hưởng hoa hồng theo mô hình kinh doanh đa cấp.

 

 

Một cuộc hội thảo Đa cấp của MyAladdinz thu hút hàng trăm người tham gia được tổ chức hoành tráng tại Toà nhà Đại Huệ Palace, TP.Vinh, Nghệ An.

 

Trong 9 tháng đầu năm 2020, Công An Nghệ An đã nhận được đơn trình báo của nhiều công dân trên địa bàn tỉnh về việc họ bị các đối tượng rủ rê tham gia đầu tư vào hệ thống MFCClub (MBI), BBI Mall, BBONUS, MyAladdinz… làm thiệt hại hàng tỷ đồng. Điều đáng nói là những người tham gia hầu hết là những người lớn tuổi, ít hiểu biết về công nghệ và số tiền họ đầu tư là rất lớn (có người hơn 1 tỷ đồng). Qua xác minh, Cơ quan điều tra xác định số tiền mà họ đầu tư đều đã được quy đổi sang tiền ảo của hệ thống. Tuy nhiên, sau một thời gian dồn hết tiền để đầu tư vào hệ thống, toàn bộ tiền ảo của họ không thể quy đổi ra tiền thật để rút về tài khoản ngân hàng của họ. Thông tin về hệ thống của các ứng dụng này đều mập mờ, máy chủ hệ thống không đặt tại Việt Nam nên rất khó xác định và xử lý các đối tượng.

 

Một ví dụ điển hình về đa cấp biến tướng núp bóng tiền ảo ở Nghệ An thu hút hàng nghìn người tham gia là BBI Mall và MyAladdinz...Ứng dụng mua sắm trực tuyến BBI Mall được quảng cáo là có cơ chế tích điểm, hoàn tiền cực “khủng” có thể lên tới 180% so với chi phí bỏ ra ban đầu. Nhưng thực tế có rất nhiều đơn hàng ảo, sản phẩm ảo không có thật, có dấu hiệu chỉ nhằm mục đích huy động vốn. Gần đây, rất nhiều khách hàng của BBI đã phản ánh lại là không thể rút tiền từ tài khoản BBI.

 

 

 

Thu hút con mồi bằng những “nhân chứng sống thành công” và để họ chia sẻ về lợi nhuận khủng thu về khi tham gia mạng lưới MyAladdinz

 

Hoành tráng hơn, rầm rộ hơn, liên tục tổ chức hội nghị hội thảo khắp cả nước và tại Nghệ An - MyAladdinz, tự quảng cáo thuộc một tập đoàn lớn nhất thế giới với 27 năm kinh nghiệm đến từ Singapore. Ứng dụng này có hàng chục nhóm cộng đồng trên Facebook để tiếp cận thành viên tiềm năng với thông điệp như: "kiếm 100-1.000 USD mỗi ngày, kiếm tiền công nghệ 4.0". Ứng dụng này được giới thiệu là có thể thanh toán các hóa đơn điện, nước, học phí, bảo hiểm, chi phí sinh hoạt, trả góp ngân hàng, mua nhà, mua xe… và có thể hoàn tiền lên đến 80% giá trị hóa đơn, người dùng thanh toán càng nhiều thông qua ứng dụng sẽ được hoàn trả càng nhiều.

 

Để tham gia ứng dụng, người dùng đăng ký tài khoản, điền các thông tin cá nhân và thông tin về người giới thiệu, đồng thời phải nạp tiền vào tài khoản của mình số tiền ít nhất là 100 USD (gần 2,4 triệu đồng) để sử dụng. Số tiền khi nạp vào tài khoản được quy đổi thành "gem", mỗi "gem" tương ứng với 1 USD. Người dùng khi thanh toán hóa đơn bằng "gem" sẽ được ứng dụng này hoàn trả 80% "gem" khi giao dịch hoàn thành chứ không hoàn lại bằng tiền.

 

Trên thực tế, Myaladdinz đang hoạt động bằng cách lấy tiền của người sau trả tiền cho người trước. Đến thời điểm không có người tham gia mua "gem" nữa thì hệ thống sẽ sụp đổ và người tham gia sẽ khó có thể lấy lại số tiền đã đầu tư.

 

Nhân viên của MyAladdinz hứa hẹn, dụ giỗ người chơi “gem” có thể trao đổi, mua bán mọi thứ, kể cả ô tô. Một số vật phẩm nhằm tạo niềm tin cho người dân có thể “mua bằng gem” tại hội thảo của MyAladdinz tại Tp.Vinh, Nghệ An

 

Hiện tại, tất cả các ứng dụng nêu trên đều hoạt động bất hợp pháp ở Việt Nam, chưa được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động. Điều đáng lo ngại nhất hiên nay là những mô hình lừa đảo, đa cấp công nghệ ra đời lại nhắm đến các “con mồi” là sinh viên, người lớn tuổi, người thất nghiệp và cả các vùng quê gây ra thiệt hại lớn cho người tham gia.

 

VỚI CHỨC NĂNG LÀ CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN, SỞ CÔNG THƯƠNG KHUYẾN CÁO CÁC DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI DÂN KHÔNG THAM GIA VÀO CÁC MÔ HÌNH NÓI TRÊN, ĐỒNG THỜI DỰA VÀO MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SAU ĐỂ NHẬN DIỆN VÀ CẢNH GIÁC ĐA CẤP LỪA ĐẢO THỜI CÔNG NGHỆ

 

Để nhận diện đa cấp lừa đảo thời công nghệ không khó, mọi người dựa vào một số đặc điểm sau để có thể nhận biết:

 

1. Yêu cầu mua các gói đầu tư

 

2. Không có sản phẩm thực sự: Sản phẩm của đa cấp lừa đảo công nghệ là các sản phẩm bình phong như: Tiền ảo, Tích điểm, Quỹ đầu tư...

 

3. Hứa hẹn lãi suất cao: Giờ đây một số loại đa cấp còn biến tướng theo dạng mua hàng tích điểm 100%, 200%..., tuy nhiên điểm này chỉ có giá trị sử dụng trong hệ thống của họ. Khi hệ thống sụp đổ số tiền (điểm) của nhà đầu tư cũng không cánh mà bay. Một số hệ thống hiện tại như BBI Mall, MyAladdinz là những ví dụ điển hình. (hiện tại hệ thống BBI Mall gần như không giao dịch được, nhà đầu tư không thể giao dịch đổi điểm ra tiền cũng như những giao dịch mua bán điểm BBI)

 

4. Đưa ra những lời có cánh và những câu chuyện không tưởng để tẩy não người tham gia như: "Không cần làm gì vẫn giàu", "Chỉ cần tham gia một thời gian anh/chị có muốn nghèo cũng khó", "Anh/chị có ước mơ, khát khao làm giàu không", "Câu chuyện về cậu bé dân tộc không biết gì về công nghệ nhưng đã làm giàu bằng MyAladdinz"...

 

5. Tổ chức các cuộc hội thảo chia sẻ cách làm giàu, cho nhà đầu tư tham quan du lịch nước ngoài bằng tiền của nhà đầu tư (mà họ không hề biết).

 

6. Đánh bóng tên tuổi: Các dự án đa cấp sẽ khéo léo sử dụng tên tuổi của những người nổi tiếng để đánh bóng tên tuổi của họ (ví dụ như My Aladdinz lợi dụng một cách khéo léo hình ảnh của những người nổi tiếng như Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Robert Kiyosaki – tác giả cuốn sách “Cha giàu, Cha nghèo”, để đánh bóng thương hiệu, tạo sự uy tín đối với các nhà đầu tư.

 

7. Tuyển đại lý cấp dưới để hưởng hoa hồng, càng nhiều cấp thì hưởng càng nhiều. 

 

- Kinh doanh đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhánh, trong đó người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và những người khác trong mạng lưới. Kinh doanh đa cấp phải được đăng ký theo quy định Nghị định 40/2018. Theo Bộ luật Hình sự 2017 sửa đổi, các tổ chức cá nhân nếu có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam.

 

- Ngày 21/07/2017 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã gửi Công văn số 5747/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi văn phòng chính phủ trả lời về vấn đề tiền ảo đến văn phòng chính phủ trả lời về vấn đề tiền ảo và khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam: “tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung) ”

Tin mới: