+
THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ NGHỆ AN
HỖ TRỢ
OCOP NGHỆ AN
Ngày 16/3/2016, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương đã tham dự và phát biểu Hội thảo “Gold Supplier – Giải pháp xuất khẩu trực tuyến cho doanh nghiệp Việt Nam” do Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba và Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB tổ chức tại Hà Nội.
Tại Hội thảo, bà Việt Anh cho biết, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam đã tăng gần gấp đôi sau 2 năm. Năm 2013, doanh số của thị trường bán lẻ thương mại điện tử Việt Nam (B2C) đạt 2,2 tỉ đô la Mỹ, đến năm 2014 đạt 2,97 tỉ đô la Mỹ, và đến năm 2015 đạt 4,07 tỉ đô la Mỹ. Điều này chứng tỏ TMĐT Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, trong giai đoạn tiếp theo cần đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất nhập khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thêm vào đó, bà Việt Anh cũng cho biết: “Trên thế giới xu hướng chung, tại các nước có TMĐT phát triển, tỉ lệ giao dịch B2B chiếm phần lớn trong tổng giao dịch TMĐT. Chẳng hạn tại Hàn Quốc, giao dịch B2B chiếm tới 91% tổng giao dịch TMĐT của quốc gia này, còn tại Thái Lan tỉ lệ này cũng chiếm tới 50%”. Cùng chung quan điểm trên, ông Trần Xuân Thủy, giám đốc Alibaba Việt Nam, cho rằng, việc ký kết các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo cơ hội mới cho kinh tế Việt Nam, và các doanh nghiệp nên sử dụng các công cụ xuất khẩu trực tuyến để đẩy mạnh loại hình thương mại điện tử B2B.
Nói về cơ hội cho hoạt động xuất khẩu trực tuyến của Việt Nam, bà Việt Anh cho biết các thị trường nhập khẩu chính từ Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều có tỉ lệ sử dụng internet rất cao. Do đó nếu các doanh nghiệp biết sử dụng mạng internet để tiếp cận thị trường xuất khẩu sẽ rất hiệu quả. Thêm vào đó, việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định thương mại Việt Nam – EU; Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc; và gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)... sẽ mang lại cho các doanh nghiệp cơ hội đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu. Bà Việt Anh cũng dẫn kết quả một khảo sát 800 doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ xuất khẩu B2B đang tăng trong thời gian gần đây.
Các chuyên gia tại hội thảo còn cho biết hiện các nhà nhập khẩu quốc tế đang có xu hướng dần dịch chuyển từ môi trường truyền thống sang môi trường trực tuyến để tối ưu hóa hoạt động. Chính vì vậy, việc tận dụng ưu thế của xuất khẩu trực tuyến nhằm tiếp cận tốt hơn với nhà nhập khẩu đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Điện tử, hiện hoạt động TMĐT tại Việt Nam mới chỉ phát triển mạnh ở TP.HCM và Hà Nội, trong khi lại kém phát triển ở các tỉnh, thành phố khác.
Các chuyên gia cho rằng phải cố gắng không để khoảng cách về phát triển TMĐT giữa hai thành phố lớn nêu trên và các địa phương ngày càng cách xa, mà cần tiến tới thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương nhằm tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp.
Ông Trần Trọng Tuyến, giám đốc điều hành của Công ty công nghệ DKT (cung cấp nền tảng bán hàng trực tuyến bizweb.vn cho khoảng 15.000 doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam) cho rằng: “Hiện 75% thị phần TMĐT đang tập trung ở Hà Nội và TP.HCM. Nếu trong những năm tới, thị trường tại các tỉnh thành phố phát triển được như Hà Nội và TP.HCM hiện nay thì quy mô thị trường TMĐT Việt Nam có thể tăng từ 3 - 5 lần. Và doanh số từ TMĐT mang lại cho các doanh nghiệp bán lẻ có thể tăng lên tương ứng con số đó.”
Ông Tuyến nói, Việt Nam hiện có hơn 90 triệu dân thì gần một nửa trong số đó sử dụng Internet. Đây là một thị trường lớn và để tiếp cận nó các doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng TMĐT. Thị trường TMĐT Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển.
Ông Hưng và các doanh nghiệp còn cho rằng để gia tăng quy mô thị trường TMĐT Việt Nam thì cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan cần nỗ lực để phát triển hình thức kinh doanh này ở các tỉnh, thành phố khác ngoài Hà Nội và TP.HCM. Theo nhận định của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2020 quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến của Việt Nam ước đạt 10 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 5% thị trường bán lẻ. Ông Hưng nhận định: “Từ năm 2016 đến năm 2020 và thậm chí có thể kéo dài đến năm 2025, TMĐT Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn với tốc độ phát triển thị trường khoảng trên 30%/năm.
Theo: VECITA
Thực hiện Chương trình Xúc tiến Thương mại Quốc gia năm 2016 được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 206/QĐ-BCT ngày 18/01/2016 Trung tâm Xúc...
Bộ Công Thương đã chính thức công bố triển khai chương trình “Tuần nhận diện hàng Việt 2015 – Tự hào hàng Việt Nam”, trong khuôn khổ Đề án “Phát...
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Khemmani Pholsena đã chính thức ký Hiệp định này. Hiệp định Thương mại biên giới giữa...
Chỉ tính riêng 30 doanh nghiệp lớn nhất, lượng hàng bán ra đã lên đến hơn 80 tỷ đồng.
Thực hiện kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2011-2015, Kế hoạch phát triển TMĐT năm 2014. Sở Công Thương Thông báo cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh...